Di tích Lịch sử Gò Đại Hội - nơi thành lập Trung đoàn 96

Thứ ba - 07/12/2021 21:26
Giời thiệu Di tích Lịch sử Gò Đại Hội - nơi thành lập Trung đoàn 96
Ảnh: Di tích Lịch sử Gò Đại Hội - nơi thành lập Trung đoàn 96 – thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định
Ảnh: Di tích Lịch sử Gò Đại Hội - nơi thành lập Trung đoàn 96 – thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định

GIỚI THIỆU DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH

Ở HUYỆN VĨNH THẠNH, TỈNH BÌNH ĐỊNH

-----
 

DI TÍCH GÒ ĐẠI HỘI NƠI THÀNH LẬP TRUNG ĐOÀN 96 (CẤP TỈNH – NĂM 2006)

  1. TÊN GỌI: GÒ ĐẠI HỘI – NƠI THÀNH LẬP TRUNG ĐOÀN 96
          Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, tại Bình Quang đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đó là sự ra đời của trung đoàn chủ lực của Liên khu 5 – Trung đoàn 96 vào ngày 01/5 /1954.
          Địa điểm thành lập của trung đoàn là Gò Đại Hội. Trong kháng chiến chống Pháp, vị trí khu gò rộng này khá an toàn nhờ có dãy núi cao phía bắc Eo Gió che chắn, pháo của địch ở Cửu An không bắn vào được, nên Đại hội của quân dân các cấp thường được tổ chức tại đây và từ đó tên Đại hội trở thành tên gọi của khu gò. Về địa hình, gò Đại Hội là một khu đồi thấp nằm giữa dãy núi Hòn Gộp và Sở Gò, được che phủ bởi những lớp cây thứ sinh như trâm, bằng lăng, ngành ngạnh, nhãn, ổi... Khu gò có diện tích khoảng 12 ha, ở một vị trí một bên gò, một bên núi, dưới chân về hướng đông có mương nước dẫn ra cánh đồng, trước đây thuộc thôn An Nội, xã Bình Quang, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, hiện nay thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.
          2. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ THUỘC TÍNH CỦA DI TÍCH
          2.1. Trung đoàn 96 với những bước ngoặc lịch sử
          Để đáp ứng yêu cầu chiến đấu và bảo vệ tổ quốc của từng giai đoạn lịch sử, đơn vị phải trải qua nhiều lần giải thể đi, rồi thành lập lại, nhưng Trung đoàn 96 đã có mặt cả trong 3 cuộc chiến tranh giải phóng bảo vệ tổ quốc gắn liền với nhiệm vụ quốc tế. Phiên hiệu Trung đoàn 96 thường được phục hồi vào những bước ngoặc lịch sử của đất nước và quân đội, luôn luôn đứng trước nhiệm vụ mới, cực kỳ quan trọng để giành thắng lợi. Và mỗi lần như thế. Trung đoàn 96 lại lập nên những thành tích mới.
          Trung đoàn 96 qua các giai đoạn hình thành phát triển:
          2.1.1. Từ 1946 đến 1947.
          - Tiếp phòng quân Đà Nẵng.
          - Thành lập ngày 6/3/ 1946, theo quyết định của Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam.
          Ban chỉ huy – cácTrung đoàn trưởng kế tiếp nhau: Đàm Quang Trung, Nguyễn Thế Lâm; Chính trị viên: Trần Hoài Ân.
          - Mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng tháng 12 / 1946
          Trung đoàn trưởng: Nguyễn Bá Phát.
          Trung đoàn phó: Bế Kim Doanh.
          Chính trị viên: Nguyễn Hữu Thành.
          2.1.2. Từ năm 1954 đến 1960.
          Chủ lực Liên khu 5:
          Thành lập ngày 1/ 5/ 1954 ở Vĩnh Thạnh, Bình Định.
          Trung đoàn trưởng: Nguyễn Minh Châu.
          Chính ủy: Nguyễn Hữu Thành.
          2.1.3. Từ 1967 đến 1972
          Trung đoàn Hỏa tiễn ĐKP Tây Nguyên – Khu 5.
          Bộ binh mang vác pháo, chiến đấu ở miền Đông Nam bộ và Campuchia.
          Thành lập tháng 10/ 1967 ở Tây nguyên.
          Trung đoàn trưởng: Nguyễn Sô.
          Trung đoàn phó: Nguyễn Thành Lai.
          Chính ủy: Trần Văn Hùng.
          2.1.4. Từ 1975 đến 1978.
          Mặt trận 4 Quảng Đà, Quân khu 5.
          Thành lập tháng 2/ 1975 theo quyết định của Bộ Quốc phòng. Tổng chỉ huy tại Hòn Tàu, Quảng Đà.
          Trung đoàn trưởng: Lại Nam Dương
          Chính ủy: Nguyễn Võ
          2.1.5. Từ tháng 9 /1978 đến nay
          Sư đoàn 309 Quân khu 5.
          Tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nhiệm quốc tế ở Campuchia.
          Thành lập ngày 27/ 9 /1978 tại Thị xã Buôn Mê Thuột.
          - Sư đoàn 309, Quân đoàn 3, mặt trận 479 – Quân khu 7.
          - Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 từ tháng 9 /1979 đến nay.
          2.2. Từ chi đội 2 đến trung đoàn 96 – Thái Phiên.
          Phong trào giải phóng dân tộc đã trở thành mục tiêu của các nước thuộc địa, cách mạng Việt Nam ngày một trưởng thành nhanh chóng khiến cho thực dân, đế quốc tìm mọi cách để đè bẹp. Lợi dụng Hiệp ước Postdam giữa các nước đồng minh chống  phát xít nhằm giải giáp quân đội Nhật bại trận gồm khoảng 4 vạn tên, từ cuối tháng 8  đầu tháng 9/ 1945, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch kéo vào miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra (bao gồm cả thành phố Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam đến bờ sông Cẩm Lệ). Ở miền Nam hơn 1 vạn quân Anh đổ bộ từ vĩ tuyến 16 trở vào để giải giáp 4 vạn quân Nhật đã đầu hàng. Mưu đồ của chúng là nhân đó tiêu diệt Đảng ta, phá tan mặt trận Việt Minh, giúp bọn phản động trong nước  lật đổ chính quyền nhân dân, dựng nên 1 chính phủ làm tay sai cho đế quốc và bọn phản động bên ngoài. Trong khi đó, bọn thực dân Pháp được quân Anh hỗ trợ, âm mưu đánh chiếm lại Nam Bộ làm bàn đạp phát triển chiếm lại toàn cõi Việt Nam và Đông Dương.
          Tình hình nghiêm trọng trên diễn ra khá rõ nét ở Đà Nẵng, Quảng Nam, nơi có chiến lược quan trọng ở Trung Trung Bộ và Trung Đông Dương. Cuối tháng 8/1945, 5.000 quân Tưởng Giới Thạch thuộc quân đoàn 60 đã vào chiếm đóng Đà Nẵng, Vĩnh Điện, Hội An. Chúng khiêu khích, bắn vào công an ta, chiếm trụ sở Việt Minh. Theo chân quân Tưởng, bọn Hoa kiều phản động, Quốc dân Đảng xuất đầu lộ diện chống phá cách mạng. Bọn quốc dân Đảng lập trụ sở công khai ở Hội An, xây dựng hệ thống tổ chức từ tỉnh đến huyện, lập chiến khu ở Tiên Phước, tuyên truyền xuyên tạc. Phá hoại, tháo gỡ đoạn đường sắt từ cầu Chiêm Sơn, nhằm lật đổ đoàn tàu chở quân Nam tiến từ Bắc vào giúp  đồng bào miền Nam kháng chiến chống Pháp. Hoạt động của chúng gây nhiều khó khăn cho việc củng cố và mở rộng Mặt trận đoàn kết dân tộc. Chính quyền nhân dân ta phải liên tiếp đấu tranh để ngăn chặn, trấn áp âm mưu phản loạn của bọn phản bội Tổ quốc...
          Nhận rõ thủ đoạn nham hiểm của  quân thù, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã vận dụng mâu thuẫn giữa chúng với nhau, tạm hòa hoãn với Pháp để gạt Tưởng, ký Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 với Chính phủ Pháp. Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, có quân đội, có tài chính riêng, ở trong khối Liên hiệp Pháp, chính phủ ta thỏa hiệp cho 15000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế cho quân Tưởng Giới Thạch.
          Tháng 3/1946, quân Tưởng rút khỏi Đà Nẵng, Hội An, Vĩnh Điện. Gần 1000 quân Pháp đến Đà Nẵng (cũng như đến Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Nam Định, Huế). Theo tinh thần Hiệp định sơ bộ, ta cũng có một lực lượng quân đội gọi là Tiếp phòng quân đóng ở những vị trí quan trọng trên phía Bắc vĩ tuyến 16. Thực chất là để tăng cường thế trận phòng thủ sẵn sàng giáng trả quân địch tại chỗ, nếu chúng gây hấn.
          Đầu năm 1946, Bộ quốc phòng chủ trương tổ chức lại những đơn vị tham gia chiến đấu ở các mặt trận cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên thành  những đơn vị Vệ quốc đoàn. Để thực hiện chủ trương xây dựng một đơn vị làm nhiệm vụ tiếp phòng quân ở Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Nguyễn Sơn quyết định thành lập Chi đội 2 Độc lập vào khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3/1946, ban đầu gồm các chiến sĩ và cán bộ tham gia chiến đấu ở Khánh Hòa, Buôn Mê Thuột, thuộc các đơn vị Nam Tiến từ miền Bắc và miền Trung vào. Chi đội do đồng chí Nam Long một cán bộ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chiến đấu từ Sài Gòn  cực Nam Trung bộ ra làm chi đội trưởng. Đồng chí Nguyễn Thế Lâm (tức Kèn) một các bộ tri thức, đã học trường Thanh niên tiền tuyến làm Chi đội phó và đồng chí Trần Hoài Ân, một đảng viên cộng sản quê ở Quảng Nam làm Chính trị viên. Chi đội được điều tra Tam kỳ Quảng Nam để huấn luyện và tiếp tục bổ sung quân số.
          Ngày 15/3/1946, Chi đội 2 Độc lập được điều ra Đà Nẵng nhận nhiệm vụ Tiếp phòng quân cùng với quân Pháp. Ban đầu đơn vị thuộc hệ thống Tiếp phòng quân Việt Nam do tướng Lê Thiết Hùng chỉ huy và mang tên Trung đoàn 7 sau đổi thành Trung đoàn 96, nằm trong hệ thống chỉ huy  của đại đoàn 31 và sau đó là khu 5 thuộc Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam do tướng Nguyễn Sơn là Chủ tịch. Từ Chi đội 2 Độc Lập đến Trung đoàn 7 Tiếp phòng quân rồi Trung đoàn 96, đơn vị được nhân dân Đà Nẵng gọi một cách thân thương là Trung đoàn Thái Phiên, tên nhà chiến sĩ yêu nước của tỉnh nhà hay Trung đoàn Đà Nẵng. Sở chỉ huy Trung đoàn đóng ở Ngũ Xá thuộc huyện Hòa Vang, gồm có 2 tiểu đoàn 17 và 18.
          Tháng 10 / 1946, giữa lúc quan hệ giữa ta và Pháp trở nên căng thẳng, Trung đoàn 96 được bổ sung thêm tiểu đoàn Ba Tơ mang tên tiểu đoàn 19. Tiểu đoàn 19 được thành lập ngày 7/7/1946 ở Ba Tơ.
          Trong quá trình hình thành đơn vị, Ban chỉ huy Trung đoàn luôn thay đổi. Khi đồng chí Nam Long được điều về Bộ Tổng chỉ huy, đồng chí Võ Thứ làm làm Trung đoàn phó, sau đó đồng chí Đàm Quang Trung thay đồng chí Lâm. Đến thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Ban chỉ huy Trung đoàn 96 gồm có: Trần Thùy – Trung đoàn trưởng, đồng chí Bế Kim Doanh – Trung đoàn phó, đồng chí Nguyễn Hữu Thành – Chính trị viên.
          Trung đoàn 96 là đơn vị được bổ sung cán bộ chiến sĩ từ ở hầu khắp cả nước ta, đó là những cán bộ và chiến sĩ đã được thử thách trải qua chiến đấu trên các chiến trường cực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ, có kinh nghiệm chiến đấu, có kỷ luật và được trang bị tốt hơn so với các đơn vị thời bấy giờ.
          2.3.Trung đoàn 96 – tạm thời không còn phiên hiệu
          Gần hai năm chiến đấu ác liệt ở chiến trường Đà Nẵng, Quảng Nam (1946-1947), tháng 9/1947 trung đoàn được lệnh rút về Quảng Ngãi để bồi dưỡng củng cố. Trung đoàn 96 do đồng chí Nguyễn Văn Thuận làm Trung đoàn trưởng và đồng chí Đoàn Khuê làm Chính trị viên từ Quảng Ngãi ra thay thế.
          Tháng 4/1948, chủ trương của Trung ương và Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy tổ chức lại một bước nữa lực lượng vũ trang của toàn quốc. Các khu 5, khu 6, khu 15 được ghép lại thành Liên khu 5. Để phù hợp với tình hình, phù hợp với chiến lược chiến tranh du kích, các đơn vị bộ đội được tổ chức lại tinh gọn theo phương châm: đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung ở cấp tỉnh. Ở Liên khu có Trung đoàn hay các tiểu đoàn chủ lực. Các trung đoàn theo tổ chức cũ chuyển dần thành các tỉnh đội phụ trách tất các các lực lượng vũ trang trong tỉnh, kể cả bộ đội địa phương và dân quân du kích Trung đoàn 96 được tổ chức lại cũng nằm trong chủ trương này.
          Tiểu đoàn 19 được bổ sung quân số, tăng cường thêm các đại đội mạnh của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định để hình thành một tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của khu 5 và sau đó là của Liên khu 5, nhưng vẫn mang phiên hiệu 19. Quân số còn lại của Trung đoàn 96, chủ yếu là hai tiểu đoàn 17 và 18 được tổ chức lại thành tiểu đoàn 79, trực thuộc Trung đoàn 126 của tỉnh Quảng Ngãi, được Bộ chỉ huy Liên khu sử dụng như một tiểu đoàn chủ lực thứ hai hoạt động trên các chiến trường chính của liên khu.
          Thời gian này, phiên hiệu Trung đoàn 96 tạm thời không còn nữa nhưng cán bộ và chiến sĩ của đơn vị mang tên Chi đội 2 Độc Lập, Trung đoàn 7 Tiếp phòng quân rồi Trung đoàn 96 vẫn tiếp tục chiến đấu dưới một phiên hiệu mới và phát huy truyền thống của đơn vị trong suốt cuộc kháng chiến.
          2.4. Trung đoàn 96 – Chủ lực Liên khu 5 (1954-1960)
          Sự thắng lợi của vũ trang Liên khu 5, nhất là các Trung đoàn chủ lực ở An Khê, trên chiến trường Bắc Tây Nguyên năm 1953, làm cho cán bộ chiến sĩ ta phấn khởi khi thấy rõ đó là kết quả đầu tiên của sự chuyển hướng sáng suốt về chiến lược của Đảng ta.
          Trong Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4, xác định phương hướng chiến lược: tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chắc thắng để phân tán lực lượng địch, mở rộng vùng tự do “quân đội ta đánh địch những nơi địch sơ hở, đồng thời phải hoạt động mạnh ở sau lưng địch… bất kỳ ở miền núi hay ở đồng bằng, quân đội ta phải chuẩn bị đánh những lực lượng, những cứ điểm ngày càng mạnh của địch”.
          Ở Liên khu 5, theo kế hoạch từ đầu tháng 1/1954, các mặt trận sau lưng địch lần lượt nổ súng. Sau lễ phát động thi đua của Bộ Tư lệnh Liên khu, các Trung đoàn chủ lực, các đơn vị phối thuộc bắt đầu hành quân lên Bắc Tây Nguyên, trong khi các tỉnh nằm trong vùng tự do như Phú Yên khẩn trương chuẩn bị chiến đấu.
          Lúc bấy giờ lực lượng vũ trang Liên khu 5 vừa đánh địch vừa xây dựng phát triển thêm lực lượng. Tại Quảng Ngãi đã xây dựng mới được 10 đại đội độc lập và 2 tiểu đoàn tập trung. Ngay giữa chiến trường Phú Yên cho ra đời Tiểu đoàn tập trung 375, thay thế cho Tiểu đoàn độc lập 40, về Liên khu tham gia Trung đoàn chủ lực.
          Ngay trên tuyến đường 19, con đường nối liền duyên hải miền Trung với Tây Nguyên, vào ngày 1 /5/1954 đã ra đời một trung đoàn chủ lực thứ 3 của Liên khu 5, với phiên hiệu Trung đoàn 96, phiên hiệu hoạt động và chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.
          Trung đoàn gồm có 3 tiểu đoàn bộ binh: 79, 40, 30 và 2 đại đội hỏa lực. Tiểu đoàn  79 (tiền thân là tiểu đoàn 17, 18 của Trung đoàn 96) do đồng chí Đỗ Hữu Đào làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn 30 do đồng chí Đoàn Phong làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn 40 do đồng chí Huỳnh Hữu Anh làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Đỗ Anh Tịnh làm Chính trị viên. Cơ quan chỉ huy của Trung đoàn đang trên quá trình tập hợp. Tham mưu phó là đồng chí Khiếu Anh Lân. Ban chỉ huy Trung đoàn: đồng chí Nguyễn Minh Châu vừa phụ trách Trung đoàn trung trưởng Trung đoàn 108 chuyển sang. Đồng chí Nguyễn Hữu Thành, Chính trị viên Trung đoàn 96 ở Quảng Nam – Đà Nẵng, nay được quyết định làm Chính ủy. Hai đại đội trực thuộc (cối và ĐKZ) được bổ sung cho Trung đoàn ngay trên đường 19, do đồng chí Chúc,  tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy. Riêng tiểu đoàn 30 như một tiểu đoàn độc lập thuộc Liên khu 5, vẫn đang làm nhiệm vụ đánh địch ở Quy Nhơn khi chúng đổ bộ ở đây.
          Một số sự kiện đáng ghi nhớ của Trung đoàn 96 được đồng chí Đại tá Đỗ Anh Tịnh, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 40 ghi lại trong hồi ký của mình:
          – Ngày 25/4/1954, cán bộ tiểu đoàn về họp tại Vĩnh Thạnh, quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Tây Sơn, tập huấn về âm mưu địch và nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Liên khu 5 và của Trung đoàn, trong đó có việc công bố quyết định thành lập Trung đoàn 96.
          – Ngày 1/ 5, dự lễ thành lập Trung đoàn ở Vĩnh Thạnh.
          – Đêm ngày 10/ 5, từng tiểu đoàn tổ chức lửa trại mừng chiến thắng Điện Biên Phủ.
          – Ngày 31/ 5, lễ phát động thi đua lập công.
          -Ngày 13/6, bắt đầu hành quân từ Định Trung đến Đe bờ, đến vị trí tập kết trước khi bước vào trận đánh.
          -Ngày 17/6, cán bộ tiểu đoàn về họp ở Trung đoàn nghe phổ biến kế hoạch tác chiến. Tiểu đoàn 40, đơn vị tham gia chỉ huy trận đánh.
          -Ngày 23/6, Tiểu đoàn được lệnh hành quân từ Đe bờ đến Đak Pơ và ngay trong đêm phải hoàn thành việc chuẩn bị chiến đấu.
          2.5. Trung đoàn 96 trong trận Đak pơ (An Khê )
          Từ ngày đầu thành lập, các đơn vị trực thuộc của Trung đoàn cũng đã từng có mặt trên đường 19, tham gia các trận đánh trên đường từ An Khê đến Mang Yang (Man Giang). Sau đó, trung đoàn tiếp tục được giao nhiệm vụ đánh địch trên đường 19, cắt đường tiếp tế của địch từ Pleiku xuống, bao vây cô lập An Khê, sẵn sàng tiêu diệt địch rút chạy. Tham gia chiến dịch gồm hai tiểu đoàn 79 và tiểu đoàn 40, tiểu đoàn 30 đang đánh địch ở Quy Nhơn.
          Về phía địch, sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, binh đoàn cơ động 100 của Pháp  - một binh đoàn chiến đấu có sức cơ động hành quân cao và hỏa lực mạnh, là xương sống cho lực lượng phòng thủ. Tây Nguyên và của chiến dịch At lăng phải co về cố thủ ở tiêu khu An Khê, tiền đồn cuối cùng của Pháp trên đường 19, nhưng hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài, để giữ lấy tiểu khu An Khê, Pháp phải dùng đường không. Giữa An Khê và Pleiku còn một loạt chốt điểm nhỏ cheo leo trên những ngọn đồi ven đường 19 rải từ đông sang tây như: Cà Tung, Xà Huồng, Hà Tam, Mang Yang.
          Trong khi đó các binh đoàn cơ động 11, 21 và cả một số tiểu đoàn quân Ngụy cũng phải bị điều đi yểm trợ cho các nơi khác. Các binh đoàn 100 và 42 sẵn sàng chi viện cho nhau trong các hoạt động trên đường 19 và bảo vệ một cách tuyệt vọng các cứ điểm trên đường chiến lược.
          Đoạn đường cầu Đak pơ hiểm trở nằm giữa hai cứ điểm cách nhau chưa đầy 15km (Cà Tung, Mũi Nhung) là đoạn đường đã bị bộ đội ta phục kích nhiều lần. Với địa hình đó, Trung đoàn 96 đã chọn đoạn suối Đak pơ về phía đông là đoạn phục kích chủ yếu do Tiểu đoàn 79 phụ trách (khoảng 800m). Đoạn từ suối Đak pơ lên phía tây do Tiểu đoàn 40 phụ trách (khoảng 400m). Hỏa lực của Trung đoàn là cối 81 bố trí ở địa điểm dễ quan sát, phát huy được hỏa lực ở cả hai hướng đông và tây. Trung đoàn giữ một đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 40 làm lực lượng dự bị. Đại đội địa phương 120 đánh địch trên đoạn đường An Khê – Cà Tung để ngăn chặn, phá cầu, kiềm chế sức cơ động của địch.
          Để nắm địch ở hai đầu trận địa, Trung đoàn bố trí các đài quan sát để phát hiện địch từ xa, chú ý là hướng An Khê lên. Thông tin liên lạc với Bộ Tư lệnh khu bằng vô tuyến, liên lạc với các Tiểu đoàn, các đài quan sát và các mũi liên lạc với nhau bằng điện thoại hữu tuyến.
          Lực lượng địch ở tiểu khu An Khê có binh đoàn cơ động 100 của hai tiểu đoàn pháp, một tiểu đoàn ngụy Campuchia, tiểu đoàn khinh quân ngụy (tiểu đoàn trang bị gọn), tiểu đoàn quân địa phương và một tiểu đoàn pháo 105… Về phương tiện khí tài, chúng được trang bị các phân đội xe tăng, thiết giáp, các loại xe đặc chủng công binh, thông tin. Binh đoàn cơ động 100 là lực lượng quân Pháp tham chiến ở Triều Tiên trong thành phần quân Liên Hiệp Quốc. Sau khi hoàn thành, đội quân này được Pháp tăng cường ngay cho chiến trường Đông Dương vào giai đoạn cuối cùng của kế hoạch Nava. Đây là một lực lượng khá đông, có đủ trang bị và phương tiện chiến đấu hiện đại hơn hẳn Trung đoàn 96, nhưng tinh thần thì sa sút. Bọn chỉ huy biết rằng rút Tiểu khu An Khê, kéo chạy về Pleiku là nguy hiểm, chắc chắn sẽ bị chặn đánh, nhưng chúng vẫn tin là lực lượng của chúng khá đông và mạnh, lại có binh đoàn 42 từ Pleiku xuống đón và có cả máy bay từ Nha Trang, Đà Nẵng yểm trợ tối đa.
          Các ngày 19 và 20/6, ở cả hai hướng Pleiku xuống An Khê lên, địch đều tung các lực lượng nhỏ ra thăm dò, các cứ điểm dọc đường cũng đưa quân ra kiểm soát, máy bay trinh sát quần lượn suốt ngày. Đêm 23/6 địch ở An Khê và các cứ điểm xung quanh nổ súng liên hồi suốt đêm. Bọn chúng đã được lệnh chuẩn bị rút chạy.
          Địch ra lệnh cho binh đoàn cơ động 42 hành quân ngay xuống ngã Pleipon để sáng 24/6 xuống đến đồn L.Mat.
          Trung đoàn 96 đã ra lệnh chiếm lĩnh trận địa phục kích. 8 giờ sáng, ngày 24/6 tất cả các đơn vị đã đứng vững trên trận địa được phân công và đài quan sát báo về có hàng trăm chiếc xe từ An Khê lên, có cả xe tăng, xe thiết giáp. Quyết tâm chung là chận đánh đoàn xe vận chuyển này. Nhưng đánh như thế nào? Đánh cả đoàn xe hay chỉ chặn đánh một đoạn đầu hay đoạn cuối? Sau khi trao đổi với hai đồng chí Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu đã quyết định:
          “Ta chặn đánh cả đoàn xe Tiểu đoàn 40 chặn ngay chiếc xe đi đầu. Không cho một chiếc xe nào lọt khỏi trận địa. Tiểu đoàn 79 đánh ngay đoàn xe địch ở trước mặt, tìm đánh trúng sở chỉ huy vì đây là binh đoàn cơ động 100 rút chạy…” Liên lạc qua máy vô tuyến Trung đoàn trưởng xin ý kiến đồng chí Nguyễn Chánh, lúc này là Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch. Đồng chí chỉ thị “Phải đánh theo ý kiến của người chỉ huy”.
          Trong lúc trung đoàn trao đổi, quyết định, cũng là lúc địch tiếp tục cuộc hành quân (từ  12 giờ). Đài quan sát báo cáo lực lượng đi đầu có cả xe thiết giáp, xe công binh và sau đó là xe chở lính xen kẽ cùng đi, tốc độ chậm. Chạy xe trên đường, lính đi hai bên. Những xe đi đầu đã vượt cầu Đak pơ, đoàn sau lại dồn lên, chúng không thể ngờ rằng Trung đoàn 96 của ta đã được lệnh xuất kích 12 giờ 30, bộ phận chặn đầu đã sẵn sàng nổ súng.
          Ở Tiểu đoàn 40, tiếng súng của bộ phận cặn đầu vang lên, cối 82 của trung đoàn, ĐKZ của các tiểu đoàn đồng loạt nổ súng thẳng vào đội hình địch. Chiếc xe công binh đi đầu bị ĐKZ ta bắn gục khi vừa lên đỉnh dốc, mấy trăm xe phía sau dồn lên nhưng không xe nào chạy thoát. Lực lượng xung kích có bộ phận đã xuống mặt đường và vài xe vận tải bốc cháy, địch không dám đánh trả, số sống sót bỏ chạy xuống phía nam đường, một số vượt nhanh qua đoạn chặn đầu chạy về cứ điểm Mũi Nhung. Tất cả đều bị ta tiêu diệt và bắt sống.
          Ở tiểu đoàn 79, chặn đánh đoạn giữa, trúng ngay tiểu đoàn đi đầu của binh đoàn 100, có cả sở chỉ huy của binh đoàn. Địch chống cự quyết liệt, lực lượng ta vượt nhanh xuống đường bám sát địch theo từng khu vực chia nhỏ để tiêu diệt.
          Đến 15 giờ 30, toàn bộ quân địch lọt vào trận địa phục kích đã bị tiêu diệt, số sống sót tháo chạy, xe thiết giáp, xe pháo cháy nằm ngổn ngang, bắt sống tên chỉ huy binh đoàn 100.
          Quân địch ở phía sau dồn lên nhưng không có chỉ huy, mặt khác bị hỏa lực ta khống chế, địa bàn trống trải nên không chi viện được cho phía trước. Sau đó, địch dùng hỏa lực pháo và máy bay yểm trợ mở các đợt phản kích, nhưng đã bị lực lượng dự bị tăng cường của ta đánh trả. Địch bị thương vong nhiều, buộc phải tháo chạy, bỏ lại toàn bộ thương binh và xe pháo. Tiểu đoàn 40 truy bám suốt đêm và cả sáng 25/6. Khoảng 12 giờ, ngày 25/6 Trung đoàn trưởng ra lệnh chấm dứt cuộc lùng sục truy kích.
          Kết quả trận Đak pơ: Địch bị chết khoảng trên 500 tên, bị thương khoảng trên 60 tên và bị bắt sống 800 tên. Số xe còn nguyên và hư hỏng ít là 229 xe, 18 phá 105 ly và rất nhiều súng đạn các loại.
          Trung đoàn 96 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đánh quân địch rút chạy, tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 của Pháp và giải phóng Tiểu khu An Khê. Sau đó, quét sạch địch trên đường 19, giải phóng phần lớn tỉnh Gia Lai bao vây Cheo Reo. Chiến thắng Đak pơ đã làm cho quân Pháp ở Tây Nguyên hết sức nguy khốn. Trong tập “Đông Dương hấp hối”, tướng Nava đã viết “…Tình thế nguy ngập tạo nên ở Cao Nguyên trước khi đình chiến là hậu quả trực tiếp của việc rút bỏ An Khê…”
          Tháng 10 năm 1954, trong đội hình của Đại đoàn 305 (thành lập ngày 31/8/1954), Trung đoàn 96 lên tàu tập kết ra Bắc. Đến tháng 5/1959, Trung đoàn 96 với phiêu hiệu tiểu đoàn 19, là một trong những đơn vị đầu tiên xẻ dọc Trường Sơn vào nam đánh Mỹ cho đến ngày toàn thắng.
          2.6. Bình Quang – Hậu phương của Trung đoàn 96 và của vùng tự do Liên khu 5
          Địch phong tỏa vùng biển, đồng bào thiếu muối ăn hàng ngày. Số muối còn dự trữ nhân dân giữ lại để giành nuôi bộ đội. Nhân dân đã tổ chức từng đoàn xuống Gò Bồi, Quy Nhơn…múc nước biển, nấu cô lại thành một thứ nước mắm để dùng.
          Ba năm liền 1949 – 1951, ngoài việc cướp phá, càn quét của quân địch, trời lại làm hạn hán, bão lũ, hết nạn châu chấu đến nạn chuột đồng, sản lượng thu nhập thấp, nhưng đồng bào vẫn để dành lương thực nuôi bộ đội, nộp thuế nông nghiệp. Đồng bào ăn hoa màu phụ, dùng mì thay cơm, không nấu cơm bằng gạo…
          Cánh đồng phì nhiêu Bình Quang trước năm 1945 là một trong những vựa lúa lớn của Bình Định. Bình Quang cũng là một trong những đầu mối thông thương quan trọng với cả vùng Tây Nguyên, một trong những trung tâm buôn bán ngược xôi giữa vùng biển và vùng thượng. Khi trở thành tuyến đầu chống Pháp xâm lược của vùng tự do Liên khu 5 thì thóc gạo cũng như sản vật nông lâm nghiệp khác không còn là hàng hóa nữa. Ngoài phần tự cấp tự túc, còn lại là bao nhiêu đều dốc vào phục vụ chiến trường.
          Nhân dân Bình Quang vốn có mối liên hệ mật thiết sâu sắc với Trung đoàn 96 nói riêng và bộ đội nói chung. Họ luôn luôn theo dõi và sát cánh chiến đấu cùng với bộ đội. Đóng góp cho bộ đội từ gạo, mắm, quần áo, ni lông đi mưa, thuốc… đến dân công hỏa tuyến, hàng năm còn có đoàn dân công phục vụ chiến trường. Nhân dân địa phương gọi loại hình dân công này là dân công lót ổ. Nhiệm vụ của họ là mang lương thực và muối đi luồn vào sau lưng địch đến những nơi đã được quy định sẵn, tự mình tìm lấy vị trí, xây dựng các kho chứa muối, chứa gạo.
          Tháng 5/1954, trước những yêu cầu của chiến trường, xã Bình Quang thành lập một đoàn dân công chuyên phục vụ tiền phương phục vụ Trung đoàn 96, Ban chỉ huy gồm có: Hồ Quý, Nguyễn Thức và Nguyễn Khâm. Đoàn dân công Bình Quang gồm có 600 người: 6 trung đội dân quân du kích của 6 thôn 450 người và chi đội thanh niên xung phong 150 người, gồm những thanh niên  học sinh  tình nguyện phục vụ hỏa tuyến trong hai tháng nghỉ hè.
          Đoàn dân công phục vụ tiền phương với những công tác bí mật bất ngờ tiếp đạn sát các dồn bót địch đã được các sách viết về chiến tranh nhân dân ghi nhận. Với hàng trăm người tiếp đạn, nhưng họ vẫn bí mật bao quanh các đồn: Eo gió, Đầu Đèo, Tú Thủy, Thượng An, An Khê. Trong đợt phục vụ hỏa tuyến hai tháng, đoàn đã hy sinh 7 người ở Cửu An do vướng mìn của địch gài trên đường hành lang vận chuyển vũ khí của ta.
          Qua những đợt dân công, dù là tham gia dân quân hỏa tuyến hay là làm dân quân lót ổ, làm dân công phục vụ tiền phương, những câu chuyện vô tận mà những người này kể lại cho cháu nghe không phải là những nỗi khó khăn, những gian khổ mà họ phải gồng sức mình để vượt qua, mà toàn là những chiến thắng công đồn diệt viện của bộ đội ta, những chiến công hào hùng diễn ra liên tiếp như thế chẻ tre trên con đường diệt giặc, lập công. Mỗi người kể một cách và đều tự cho rằng chuyện của mình là đúng nhất, tạo thành một kho truyện dân gian vô tận.
          Ngược lại các chi bộ của đoàn quân Nam tiến đóng ở Bình Quang đã có những đóng góp trong việc xây dựng lực lượng hạt nhân lãnh đạo ở xã. Những Đảng viên đầu tiên của chi bộ Bình Quang vẫn còn ghi nhận những ấn tượng sâu sắc đối với các Chính trị viên như: Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Duy Phê, Nguyễn Tường Chế…Các cuộc họp của chi bộ luôn có các vị này tham gia. Thông qua những việc làm trực tiếp này, các đảng viên chi bộ Bình Quang đã trở thành rất nhanh chóng trong công tác quần chúng, tác phong lãnh đạo và chi bộ xã Bình Quang đã có số lượng đảng viên phát triển nhanh nhất, đông nhất của tỉnh Bình Định. Năm 1955, khi chuyển vùng giao cho đối phương quản lý, số lượng đảng viên Bình Quang lên đến co số 750 người.
          Với sự ra đời của Trung đoàn 96 đã đánh dấu một bước trưởng thành phát triển của lực lượng vũ trang, ta không những về số lượng mà ngày càng đi vào chất lượng. Bình Quang được vinh dự là chiếc nôi khai sinh và nuôi dưỡng, đùm bọc trung đoàn trong chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
          Trở thành người chiến sĩ đứng trong hàng ngũ cả Trung đoàn là vinh dự của con em xã Bình Quang, họ sẵn sàng cho tham gia vào lực lượng vũ trang, chiến đấu dưới ngọn cờ của trung đoàn. Trong từng làng xã, nam nữ tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vượt qua mưa bom bão đạn, tiếp tế, nuôi dưỡng thương binh. Hai tiếng “Trung đoàn 96: trở nên thân thương đối với nhân dân Bình Quang, nhưng lại nỗi kinh hoàng đối với giặc Pháp.
          Những năm chiến đấu trên chiến trường trọng yếu của quân khu V, Trung đoàn 96 luôn được đùm bọc, che chở với tình cảm thân thương của người dân Bình Quang quê hương xứ dừa Bình Định, đất và người Bình Quang đã trở thành một phần máu thịt của họ. Máu của biết bao chiến sĩ trung đoàn đã đổ xuống cho mảnh đất  Bình Quang, cho Bình Định và cả miền Trung được toàn vẹn cho đến ngày toàn thắng.
          3. LOẠI HÌNH DI TÍCH
          Di tích ghi lại một sự kiện quan trọng. Nơi thành lập trung đoàn 96, trung đoàn chủ lực thứ 3 của Liên khu 5 trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và trung đoàn đã lập chiến công hiển hách trên chiến trường khu 5, tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 – đơn vị sừng sỏ nhất của Pháp, một trong những binh đoàn tham gia xâm lược Triều Tiên trong đội hình sư đoàn 2 của Mỹ.
          Di tích Gò Đại hội thuộc loại hình di tích lịch sử lưu niệm về một sự kiện.
          4. CÁC HIỆN VẬT TRONG DI TÍCH
          Gò Đại hội là một di tích lịch sử được hình thành trong kháng chiến chống Pháp, sự kiện diễn ra cách nay hơn 50 năm. Nơi diễn ra sự kiện là nơi khu gò hoang sơ nên không có những hiện vật liên quan đến di tích còn tồn tại đến ngày nay.
          5. CÁC HÌNH THỨC SINH HOẠT VĂN HÓA DÂN GIAN, LỄ HỘI
          Di tích là nơi ghi nhận lại một sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương Bình Định nói riêng và của lịch sử Liên khu nói chung về quá trình hình thành và phát triển lực lượng vũ trang chủ lực. Di tích chưa được nhà nước xếp hạng vào danh mục di tích lịch sử nên từ trước đến nay, tại địa điểm di tích chưa có hình thức sinh hoạt lễ hội gì. Ngày 1/5/2003, Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Trung đoàn 96 có khắc bia kỷ niệm nơi thành lập Trung đoàn 96 tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, nhưng bia chưa được xây dựng.
          6. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, KHOA HỌC, NGHỆ THUẬT, VĂN HÓA
          Trung đoàn 96 đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, qua mỗi thời kỳ trung đoàn đã lập được những chiến tích không thể phai mờ trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đồng bằng ven biển, Trung bộ đến Cao Nguyên, đến chiến trường Đông Nam Bộ, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống mỹ, từ biên giới Tây Nam đến hai bên bờ sông Mê Kông và triền núi Đăng Rết, trong cuộc chiến tranh biên giới, bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Campuchia. Những chiến công của trung đoàn đã viết vào  trang sử hào hùng của lực lượng vũ trang Liên khu 5 và quân đội ta.
          Mở đầu kháng chiến lần thứ nhất, đối mặt với quân viễn chinh Pháp ở Đà Nẵng mạnh hơn gấp hiều lần, nhưng với lối tác chiến biến hóa, sáng tạo Trung đoàn 96 đã vây chặn quân Pháp hơn 100 ngày đêm trong thành phố Đà Nẵng và vùng Tây Bắc Quảng Nam bảo vệ được tính mạng và tài sản của nhân dân, để địa phương có thời gian tổ chức kháng chiến. Nổi bật là những trận đánh ở đèo Hải Vân tiếng vang cả nước. Hồ Chủ tịch đã nhiều lần biểu dương các chiến công Hải Vân trong những lời kêu gọi toàn dân kháng chiến. Dựa vào nhân dân và căn cứ địa cách mạng, Trung đoàn 96 đã trụ vững trong vùng sau lưng địch, tạo thế lực kháng chiến lâu dài. Trung đoàn 96 xứng đáng với  lá cờ “Giữ vững” do đại diện Chính phủ Phạm Văn Đồng trao tặng.
          Vào cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 96 mới được tổ chức lại, từ chiến trường Bình Định (Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thạnh) đã lập được chiến công hiển hách với một lực lượng ít hơn địch nhiều lần (2 tiểu đoàn gồm 700 quân so với 6 tiểu đoàn có 3.900 quân ), tiêu biểu là trận tiêu diệt cả một binh đoàn cơ động 100, một đơn vị mạnh nhất, sừng sỏ nhất của quân đội pháp, mới được điều từ Triều Tiên tới. Đây là Chiến thắng to lớn nhất của quân khu V cho đến bây giờ. Với thành tích đó, Trung đoàn 96 đã được Hồ Chủ tịch tặng thưởng huân chương Kháng chiến hạng nhất, phần thưởng cao quý nhất cho một trận đánh lúc đó. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh quân đội đã khen ngợi: “Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất  ngờ, sử dụng lực lượng có hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi  thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề”... Viện lịch sử quân sự Việt Nam cũng đã đánh giá: Chiến thắng Đak pơ có một ý  nghĩa quan trọng không những đối với địa bàn Tây Nguyên mà còn đối với cả nước, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chông thực dân Pháp xâm lược.
          Như bao nhiêu đơn vị khác trong Liên khu 5, trong toàn quân, quá trình chiến đấu và trưởng thành của Trung đoàn 96 đã tỏ rõ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ đã dày công vun đắp. Dưới ánh sáng của đường lối chiến tranh cách mạng, qua sự vận dụng tài tình về chiến lược và chiến thuật, Trung đoàn 96 đã trưởng thành và chiến thắng trên mọi chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng đến Bắc Tây Nguyên mà Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng ta chỉ rõ cho Liên khu 5.
          Các thế hệ cán bộ và chiến sĩ qua từng giai đoạn lịch sử nối tiếp nhau viết tiệp vào trang sử và của Trung đoàn và tự hào với truyền thống đó./.
(Nguồn: Bảo tàng Tổng hợp Tỉnh Bình Định, Hồ sơ Di tích Gò Đại Hội, 2006).

Nguồn tin: Từ Kim Lân, Trường PTDTNT THCS&THPT Vĩnh Thạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

1/ Cho học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19
2/ Thông báo về việc thăm dò dư luận đối với các ứng viên đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú tỉnh Bình Định Lần thứ 15 năm 2020
 

718-QĐ_BGDĐT_09.02.2021

Quyết định 718_QĐ_BGDĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông

Thời gian đăng: 25/02/2021

lượt xem: 396 | lượt tải:0

77/2015/QH13

LUẬT Tổ chức chính quyền địa phương

Thời gian đăng: 23/08/2019

lượt xem: 454 | lượt tải:0

Hiến pháp

HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Thời gian đăng: 23/08/2019

lượt xem: 374 | lượt tải:0
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay787
  • Tháng hiện tại8,476
  • Tổng lượt truy cập849,103
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây