Di tích Lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh

Thứ ba - 07/12/2021 21:35
Giới thiệu Di tích Lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh
Ảnh: Di tích Lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (Gộp Nước Ló – Đak Lek) – Làng M2 (Kon Tơ’Lok), xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định
Ảnh: Di tích Lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (Gộp Nước Ló – Đak Lek) – Làng M2 (Kon Tơ’Lok), xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định

GIỚI THIỆU DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH

Ở HUYỆN VĨNH THẠNH, TỈNH BÌNH ĐỊNH

-----
DI TÍCH KHỞI NGHĨA VĨNH THẠNH (CẤP BỘ - NĂM 1998)
1 TÊN GỌI: NƯỚC LÓ (ĐAK LECH)
          Nước ló, di tích nơi xảy ra sự kiện khởi nghĩa Vĩnh Thạnh Tơ Lok Tơ Lek năm 1959, là một gộp đá nằm ở thượng nguồn suối Đak Kdo (suối cái). Mùa khô, suối cạn, từ nguồn suối cái đến gộp nước Ló chảy ngầm trong lòng núi, đến khúc sông này nước chảy trồi lên trên, khi đến hoạt động ở đây những người kháng chiến đặt tên khúc suối này là Gộp Nước Ló, người Bahnar gọi là Đak lek.
          Dưới thời Mỹ Diệm, nhân dân Bình Định nói chung và nhân dân Vĩnh Thạnh nói riêng luôn luôn bị địch khủng bố, đàn áp rất dã man. Ở Bình Định địch điên cuồng đẩy mạnh đánh phá khắp nơi, nhất là miền núi. Được sự chỉ đạo của Đảng bộ địa phương, ngày 6/2/1959 nhân dân 12 làng thuộc 2 xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo đồng loạt đứng lên tự vũ trang, chống dồn dân, đưa dân vào làng bí mật, lập phòng tuyến chiến đấu, chặn đánh địch đi càn vào làng, phong trào được nhân rộng ra các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Châu… và sau đó lan tỏa khắp huyện.
          Sự kiện khởi nghĩa vũ trang tại làng Tơ Lok Tơ Lek vào ngày 17/3/1959 có sự chỉ đạo của Huyện ủy Vĩnh Thạnh, từ trước được giới nghiên cứu lịch sử đề cập đến trong các tư liệu và đã được công bố xuất bản, mỗi tư liệu đều được khai thác và đánh giá về sự kiện này ở góc độ khác nhau nhưng đều thống nhất với tên gọi “Khởi nghĩa Tơ Lok Tơ Lek”
          Nhưng qua các nguồn tư liệu được công bố gần đây, thì sự kiện Tơ Lok Tơ Lek chỉ là sự kiện điển hình, trong thời kì đó ngoài hai làng Tơ Lok Tơ Lek còn có các làng khác như Hà Ri và các làng khác thuộc xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Châu, Vĩnh Kim. Chính vì vậy mà trong dịp kỷ niệm 25 năm khởi nghĩa Vĩnh Thạnh năm 1984, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đã thống nhất đổi tên Khởi nghĩa To Lok và Tơ Lek thành sự kiện khởi nghĩa Vĩnh Thạnh. Cho nên di tích Suối Nước Ló cũng được mang tên nơi xảy ra cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh và lấy ngày 6 tháng 2 làm ngày kỷ niệm hàng năm.
          2. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ THUỘC TÍNH DI TÍCH:
          2.1. Vĩnh Thạnh nhìn từ vị trí địa lý:
          Vĩnh Thạnh là một huyện có địa thế rất hiểm yếu – Hai bên bờ sông Kôn là hai dãy núi chập chùng với những đỉnh núi khá cao như núi Bok Bang ở Vĩnh Kim (975m), Kon truch tại Vĩnh Sơn (1.019m). Dãy núi Đông và Đông Bắc sông Kôn, với các hòn Gia két, Bòng Bong… chạy liền mạch từ An Lão đến nam Phù Cát, Đông Bắc Tây Sơn, như bức trường thành vững chải, che chắn làm chỗ dựa cho các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn. Nơi đây cũng chính là thượng nguồn 3 con sông lớn của tỉnh Bình Định: Sông Kim Sơn (một nhánh của sông Lại Giang), sông La tinh, sông Kôn. Dãy núi phía Tây và Tây Bắc sông Kôn, chạy từ K’Bang xuống đèo Măng (còn gọi là đèo An Khê), dốc đứng về phía Đông, thoai thoải về phía tây, giáp cao nguyên An Khê ở Kan Nak Tú Thủy và Kon Hnừng, tạo thành bậc thang thiên nhiên nối liền Bình Định trù phú với Tây Nguyên bao la hùng vĩ.
          Chính vị trí địa lý đặc biệt này cũng rất thuận lợi cho việc cư trú và sinh tồn của người Việt cổ cho đến nay, dọc hai bên bờ sông Kôn thuộc địa phận huyện Vĩnh Thạnh ta đã phát hiện thu thập và bảo tồn được 4 trống đồng. Đây là một khu vực trống đồng phân bố và được phát hiện tương đối dày đặc.
          Vĩnh Thạnh vốn thuộc vùng Tây Sơn thượng đạo, căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Tây sơn. Đây cũng là căn cứ của phong trào Cần Vương Mai Xuân Thưởng. Trong kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Thạnh vừa là tiền tuyến của quân dân tỉnh Bình Định, vừa là hậu phương tại chỗ của vùng địch hậu Đông nam tỉnh Gia Lai – Kon Tum.
          Vĩnh Thạnh luôn luôn là một địa bàn chiến lược, có tầm quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng đối với tỉnh Bình Định, thời bình phát triển kinh tế cũng như thời chiến bảo vệ đất nước. Hơn nữa đây cũng chính là cửa ngõ cảng Quy Nhơn nối liền với Tây Nguyên, Đông bắc CamPuChia, Hạ Lào – Địa bàn chiến lược quan trọng của Nam Đông Dương.
          Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Thạnh luôn luôn là căn cứ của tỉnh Bình Định, đã ghi dấu lại rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (ngày 6 tháng 2 năm 1959), cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên của phong trào đồng khởi khu V.
          2.2. Đặc điểm tình hình chung:
          Sau khi ta thực hiện hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) chuyển quân tập kết ra Bắc, địch tiếp quản đến đâu ráp bộ máy hành chính lập sẵn từ trước đến đó địch xác định lực lượng cách mạng trên toàn miền nam chủ yếu là vùng tự do liên khu 5 và các căn cứ, chiến khu kháng chiến và chúng đã chọn Bình Định là một trọng điểm đánh phá đầu tiên toàn miền Nam. Chính tên trùm tình báo Mỹ ở Sài Gòn bấy giờ đã vạch ra kế hoạch đánh phá 2 tỉnh Bình Định, tỉnh Quãng Ngãi mang tên “chiến dịch giải phóng”, giao Tôn Thất Đính – nguyên Tư lệnh một binh đoàn lính ngụy của Pháp trong chiến dịch Át lăng đánh phá Bình Định đầu năm 1954. Ngày 27/ 5/1955, Ngô Đình Diệm đã đáp máy bay đến Quy Nhơn thị sát tình hình.
          Sau khi kiểm soát được tình hình, địch phát động chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, “thà giết lầm hơn bỏ sót”… cách giết người của chúng dã man như thời trung cổ: lấy cuốc đập đầu, lấy tre kẹp cổ, chôn sống, lấy bao bố thả trôi sông…
          Đến năm 1959, Mỹ Diệm càng lao sâu vào con đường phát xít, đánh phá khắp nơi, chủ yếu là miền núi.
          Trong những năm 1955-1958, sau những đợt “tố cộng” đẫm máu của địch, phong trào cách mạng Bình Định nói chung Vĩnh Thạnh nói riêng, có nhiều tổn thất. Đến đầu năm 1958 được khôi phục lại và phát triển, nhất là phong trào các huyện miền núi. Địch lại mở cái gọi là “Chiến dịch tố cộng Đoàn Đức Thoan” trong toàn tỉnh.
          Ở Vĩnh Thạnh lúc bấy giờ địch chuyển sang thủ đoạn “định cư”, rêu rao là “cải thiện đời sống đồng bào Thượng”, thực chất âm mưu của địch là dồn dân miền núi ở xung quanh huyện lỵ để trực tiếp kẹp dân, nhằm cô lập lực lượng cách mạng với quần chúng, để dùng lực lượng quân sự diệt các tổ chức và lực lượng cách mạng của ta. Kết hợp với những cuộc hành quân, địch ráo riết thực hiện chủ trương bao vây kinh tế của Tỉnh trưởng ngụy Lê Văn Ái “Riêng Vĩnh Thạnh, phải đặt kế hoạch chặn đứng việc tiếp tế của đồng bào Thượng cho Việt cộng”.
          Âm mưu đưa dân xuống các khu dồn quanh quận lỵ đã đụng chạm trực tiếp đến mọi tầng lớp của nhân dân Vĩnh Thạnh, gây những bức xúc mãnh liệt, những xáo trộn có tính chất đỏ vỡ trong đời sống, trong sản xuất, nhất là trong tình cảm và tâm linh của người Bahnar.
          Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Bình Định họp, chủ trương lấy vùng cao của Vĩnh Thạnh (Vĩnh Kim, Vĩnh Châu, Vĩnh Trường) và vùng cao An Lão làm căn cứ trung tâm của Tỉnh, tích cực xây dựng các tổ chức quần chúng, nhất là lực lượng trẻ. Triệt để lợi dụng phong tục tập quán của đồng bào để bố phòng chống địch, phát động quần chúng kiên quyết chống dồn quân.
          Huyện ủy huyện Vĩnh Thạnh họp mở rộng để bàn biện pháp chấp hành những chủ trương mới của Tỉnh ủy Bình Định, làm cho quần chúng thấy rõ âm mưu dồn dân của địch nhằm trực tiếp khống chế dân cả về chính trị- quân sự và kinh tế - xã hội. Phát động toàn dân đứng lên chống địch dồn dân, huy động nhân dân tham gia bố phòng, tập luyện chiến đấu, chuyển tài sản vào làng bí mật- Đẩy mạnh sản xuất, mua hàng dự trữ nhất là muối, nông cụ, vải. Đồng thời Huyện ủy cũng chỉ đạo vận động một số già làng, cùng các “đại diện” xã xuống quận trực tiếp đấu tranh, đưa các yêu sách đòi để dân tiếp tục làm rẫy, sau khi thu hoạch xong dân mới xuống quận lỵ - “Quốc gia” phải để cho dân tự do đi lại thăm viếng, vào vùng và xuống vùng trao đổi hàng hóa – Không được đưa quan lên làng khủng bố dân, không được bắt người…
          Trước sự phản ứng quyết liệt, rộng rãi của nhân dân toàn huyện và được sự đồng tình ủng hộ của đồng bào Kinh xã Bình Quang, địch buộc phải nhượng bộ, chấp nhận một số yêu sách của nhân dân.
          Sau khi đẩy lùi địch một bước, Đảng bộ Vĩnh Thạnh tập trung vào việc phát động nhân dân toàn huyện vừa tích cực làm mùa rẫy cho kịp thời vụ, vừa khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để chủ động chống địch.
          Để hổ trợ các cuộc đấu tranh của quần chúng chống địch dồn dân, Đảng bộ chủ trương lập đội tự vệ mật ở làng xã, để làm nòng cốt cho phong trào toàn dân chống địch, chia nhau canh gác các ngã đường địch có thể đột nhập vào làng. Các già làng dày dặn kinh nghiệm săn bắt thú rừng được phân công đi tìm các loại cây có chất độc để tẩm tên độc. Phụ nữ, trẻ em được huy động vào việc vót chông, làm tên. Một số già làng am hiểu địa thế và giàu kinh nghiệm chống xâm nhập vạch kế hoạch bố phòng, chọn các tuyến chiến đấu, bố trí các loại vũ khí: bẩy đá, mang cung, chông, thò…
2.3. Diễn biến sự kiện:
           Cuối tháng 1/1959, tại Đak Trủ, Huyện ủy Vĩnh Thạnh họp có đồng chí Mai Dương – Bí thư Tỉnh ủy về dự, sau khi truyền đạt một số chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí lưu ý Vĩnh Thạnh: Khẩn trương chuẩn bị vũ trang tự vệ nhưng phải hết sức kín đáo, để giữ thế hợp pháp.
          Như thế là, về chính trị và tư tưởng, chủ trương phát động quần chúng nổi dậy khẩn trương, chuẩn bị chống dồn, đã đưa phong trào Vĩnh Thạnh tiến lên một bước mới.
          Ngày 01/ 02/1959, tại cuộc họp các quận trưởng, Tỉnh trưởng ngụy quyền Bình Định quyết định: “Năm 1959, là năm hướng về thượng du”, “phải hoàn thành việc định cư càng sớm càng hay, tốt nhất là năm 1959”.
          Ngày 3/2 /1959, quận trưởng Thái Quới họp các “đại diện” và già làng toàn quận để nhận “quà tết của quốc gia” và nghe chủ trương mới về định cư của Tỉnh, Thái Quới quy định đến ngày 11/2/1959 (tức mùng 4 tết Kỷ Hợi), “đại diện” hai xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo phải đưa toàn bộ dân và tài sản xuống khu “định cư” ở quận lỵ, mở đầu cho năm “hướng về Thượng du”của Vĩnh Thạnh. Quới còn gặp riêng “đại diện” hai xã trên để phổ biến kế hoạch chuyển dân, nhấn mạnh sẽ đưa lính lên từng làng đốc thúc, nếu làng nào chống sẽ bị “làm cỏ” cả làng.
          Trước tình thế bức bách đó, ngày 6/2/1959 (29 tháng Chạp năm Mậu tuất), ban cán sự và già làng hai xã Vĩn Hiệp và Vĩnh Hảo đã huy động nhân dân 12 làng gồm: Tơ Tơ Lok, Tơ Lek, 2 làng Hà Ri (Vĩnh Hiệp), hai làng Kơ Driek, Kon Rơn, 2 làng Kon Yơng, Kon Niel, Kon Jil, Kon Pnang thuộc hai xã Vĩnh Hảo, đồng loạt nổi dậy cắm chông vào làng, cài thêm mang cung bẩy đá, xây tuyến chiến đấu, đưa nốt tài sản, người già, trẻ em, phụ nữ vào làng bí mật.
          Trong quá trình nổi dậy, hai làng Hà Ri lớn và làng Hà Ri nhỏ do ở tách biệt với hai làng Tơ Lok và Tơ Lek, nên tổ chức ăn mừng lúa mới và họp quyết định “chạy làng” trước. Tên phản bội On Đinh lập tức chạy xuống quận báo tin. Được tin nhân dân nổi dậy, địch rất bất ngờ và hoang mang – Quận trưởng Thái Quới ra lệnh giới nghiêm, báo ngay về ngụy quyền tỉnh và xin viện binh. Binh lính và nhân viên trong quận trong tình trạng hốt hoảng, nơm nớp lo sợ đồng bào Bahnar giáo mác, cung tên kéo xuống đánh úp quận lỵ.
          Ngày 9/2 /1959 (tức mùng 2 tết Kỷ Hợi), địch cho một trung đội Bảo An, do On Đinh – tên gián điệp người làng Hà Ri dẫn đường lên khủng bố dân làng Hà Ri. Dân làng Hà Ri dùng loa giải thích lý do “chạy làng”: Do quốc gia bắt dân bỏ làng, nên mới chạy. Và đồng thời báo cho địch biết làng đã được bố phòng đầy chông, thò, mang cung và bẩy đá…nên không vào làng được.
          Nhưng vẫn ngoan cố không nghe, hùng hổ kéo quân đi càn vào làng, lập tức chúng bị già làng và tự vệ mật cả làng phục kích, bắn bị thương mấy tên, trong đó có tên gián điệp On Đinh dẫn đường, địch hoảng sợ buộc phải rút lui.
          Cùng ngày, quận trưởng Vĩnh Thạnh cũng cho hai toán thám báo lên thăm dò tình hình hai làng Tơ Lok và Tơ Lek, ở đây cũng như làng Hà Ri, tất cả các ngã đường vào làng đã được đồng bào cài dày đặc những chông, thò, bẩy đá.
          Sau khi Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo nổi dậy, Huyện ủy Vĩnh Thạnh báo cáo lên Tỉnh ủy Bình Định, tăng cường cán bộ cho hai xã và đề ra một số công tác trước mắt. Đối với hai xã vừa nổi dậy, vừa tăng cường công tác bố phòng chống địch, vừa nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở của dân tại làng bí mật. Đồng thời chú ý bảo vệ sản xuất – thông qua các xã còn hợp pháp và đồng bào Kinh hai xã Bình Quang, Bình Giang dấy lên một đợt tiến công dư luận, đòi địch không được khủng bố Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo, đòi cả 12 làng được trở về làng cũ làm ăn như trước. Và nếu quốc gia bỏ lệnh dồn dân, không bắt lính thì đồng bào sẽ không “chạy làng” mà ở lại làng cũ làm ăn.
          Hưởng ứng những chủ trương công tác mới của Huyện ủy, nhân dân Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo vừa khẩn trương đẩy mạnh các công tác chuẩn bị đánh địch, vừa nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở mới và bắt tay vào vụ lúa rẫy mới.
Lợi dụng thế hiểm trở của rừng núi đồng bào đã xây dựng thế trận bố phòng thành ba tuyến – Tuyến 1 gồm các ngã đường vào làng cũ, nơi co thể xảy ra các trận chiến đấu giữa ta và địch, do các tổ tự vệ thay nhau ngày đêm canh gác. Tuyến 2 là một mạng lưới hầm và bãi chông, kết hợp với bẩy đá, mang cung dày đặc cùng những ổ tác chiến lợi hại, bất ngờ. Đây là tuyến chiến đấu quan trọng, có mục đích ngăn chặn địch đánh vào làng bí mật. Tuyến 3 là nơi ở của dân, vừa là nơi cất giấu lương thực và tài sản, vừa phục vụ cho tuyến trước chiến đấu.
          Bất chấp dư luận, địch quyết định dùng sắt thép để nhằm đè bẹp cuộc nổi dậy đầu tiên của nhân dân Vĩnh Thạnh. Chỉ trong tháng 3/1959, địch đã mở ba trận cả ba làng Tơ Lok Tơ Lek và Hà Ri của xã Vĩnh Hiệp. Ngoài ra, địch còn mở 1 trận càn vào xã Vĩnh An, nhưng vẫn không dồn được dân, và các trận càn đều bị du kích dùng vũ khí thô sơ đẩy lùi. Riêng trận càn cuối tháng 3 năm 1959, địch bị du kích phục đánh trả quyết liệt gây tổn thất lớn.
          Ngày 17/3/1959, một đại đội Bảo An đi càn lên hai làng Tơ Lok và Tơ Lek. Khi địch kéo quân đến làng Tơ Lok cũ chúng đánh hơi đi tìm làng bí mật. Đầu tiên chúng theo đường chính do ta giải tỏa bớt chông, thò đến Tơ Lok điểm phục kích đầu tiên của du kích, địch bất ngờ rẽ xuống đi theo đường suối nhằm tấn công vào tuyến hai của làng Tơ Lok, nhưng đến gộp nước Ló (Đak lek) thì chúng lọt vào ổ phục kích của một tổ du kích mật đồng chí Đinh Treng phụ trách, lợi dụng địa thế mai phục hiểm trở tổ du kích để cho địch đến gần, cách điểm phục kích     3- 4m những mũi tên độc từ nhữn gộp đá bay ra bắn gục 5 tên đi đầu tại trận, trong đó có 1 tên chỉ huy. Bọn địch bị chận đánh bất ngờ, hốt hoảng chạy tán loạn, lập tức sa vào trận địa liên hoàn chông, thò, bẩy đá… được bố trí dọc hai bên bờ suối phủ kín, cây giang rừng làm bị thương hàng chục tên. Từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, quân và dân Tơ Lok  đã làm chủ trận địa, đẩy lùi bốn đợt tiến công của địch, chúng không thể vượt qua trận địa phục kích gộp nước Ló mặc dù đã cố gắng nhiều lần, cuối cùng đành phải khiêng 30 xác thương vong của đồng bọ rút về quận lỵ. Kết quả trận này ta loại khỏi vòng chiến đấu 30 tên, thu một khẩu súng và một bản đồ. Đây là khẩu súng tiến lợi phẩm dầu tiên của lực lượng du kích tỉnh Bình Định. Cùng ngày, cánh quân địch đi càn vào làng Tơ Lek, khi đến suối Tân cũng bị quân và dân làng Tơ Lek chặn đánh phủ đầu.
          Càng thua càng cay cú, tháng 4/ 1959, địch lại cho lực lượng tiến công vào làng Tơ Lok, nhưng mới đến suối Tấn, chúng đã bị du kích chặn đánh, địch vào không được làng và hơn chục tên bỏ mạng.
Ba lần đem quân đi càn quét, cả ba lần đều thất bại, binh lính địch hoang mang khiếp sợ. Trong lúc bọn địch đang tìm cách đối phó với thế trận chiến tranh của nhân dân ta. Thì đầu tháng 4 Huyện ủy Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo nhân dân vũ trang nổi dậy một lần nữa, lần này quy mô lớn hơn, gần như toàn huyện. Cả 14 làng vùng thấp và vùng cao đều nổi dậy dời làng bố phòng đánh địch. Ngoài các làng Tà lăng, Sò Đo (Vĩnh Kim), hai làng Kon Klot, Kon Pop Vai, Kon Pot Krong (Vĩnh Châu), các làng như Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Vĩnh Kim cũng xây dựng lập làng chiến đấu.
          Đối phó với phong trào nổi dậy của nhân dân Vĩnh Thạnh, giữa tháng 7/1959 Diệm đã huy động một lực lượng lớn đánh vào Tơ Lok và Tơ Lek với ý đồ chiếm hai làng này làm bàn đạp, chốt quân dài ngày, lùng sâu vào rừng đánh phá các làng bí mật, nhưng chúng không thu hút được một kết quả nào. Vùng giải phóng Vĩnh Hiệp cũng như toàn huyện vẫn được giữ vững. Tháng 12/1959, địch còn mở một cuộc hành quân càn vào Tơ Lek định chiếm đóng lâu dài, nhưng chỉ sau ba ngày bị du kích chặn đánh, bị tiêu hao lực lượng buộc chúng phải rút.
          Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy huyện Vĩnh Thạnh, cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã đi từ đấu tranh chính trị hợp pháp, tiến lên kết hợp đấu tranh vũ trang có mức độ, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp, chính trị với vũ trang.
          Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh mà đỉnh cao là năm 1959, một thắng lợi có tính quyết định của cuộc đấu tranh chống âm mưu dồn dân, lập ngụy quyền cơ sở để kìm kẹp của dân địch.
Từ vũ trang khởi nghĩa chống dồn dân của địch, quần chúng cách mạng đã chuyển sang phát động chiến tranh du kích đánh địch tiến công và càn quét. Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh có lẽ là nơi diễn ra chiến tranh du kích, cuộc kháng chiến toàn cầu đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Bình Định, đối với đội vũ trang tập trung đầu tiên, với trận đánh ác liệt thu vũ khí đầu tiên trong tỉnh, góp phần đưa phong trào cách mạng phát triển lên một nấc thang mới trên bước đường chiến thắng.
          Cùng với làng Mực (Quảng Nam), Bắc Ái (Ninh Thuận), khởi nghĩa Tơ Lok và Tơ Lek đã ghi vào lịch sử đấu tranh chống Mỹ cứu nươc một trang sử chói ngời, đánh dấu một bước ngoặc lịch sử quan trọng của thời kỳ nhân dân miền nam bắt đầu vũ trang và cách mạng miền nam bắt đầu có hình thức đấu tranh vũ trang hổ trợ cho đấu tranh chính trị - Ở đó, nhân dân đã tự vũ trang đánh trả các cuộc càn quét, các đợt bắt dồn dân, phá “khu trù mật” để dựng làng chiến đấu, diệt ác trừ gian, đối tượng cụ thể là những cá nhân cụ thể tay sai địch, hổ trợ cho đấu tranh chính trị trong một phạm vi địa phương. Đến Trà Bồng, phong trào được nâng lên một bước, thắng lợi của khởi nghĩa, duy trì và mở rộng, và sau ngọn lửa Trà Bồng cả miền Nam bừng bừng trong bão lửa “Đồng khởi” với hình ảnh đầu tiên là “Đồng khởi”  Bến Tre.
          Nếu với quy mô và phương thức được sử dụng lực lượng của nó, có thể coi khởi nghĩa Trà Bồng như một cái mốc đánh dấu sự chuyển hướng về hình thức đấu tranh trong lịch sử cách mạng miền Nam từ 1959 – 1960, thì khởi nghĩa làng Mực (Quảng Nam), Tơ Lok và Tơ Lek (Bình Định), Bắc Ái (Ninh Thuận) có thể coi là những điểm son đầu tiên, điểm khởi động và điểm xuất phát của sự chuyển hướng về hình thức đấu tranh mới, chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang.
          3. LOẠI HÌNH DI TÍCH:
          Khởi nghĩa Tơ Lok và Tơ Lek là một di tích lịch sử cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ của đồng bào dân tộc Bahnar huyện Vĩnh Thạnh. Nơi đánh dấu thắng lợi đầu tiên của nhân dân tự vũ trang đánh trả các cuộc càn quét, dồn dân của địch, dựng làng chiến đấu diệt ác trừ gian và đã gây một tiếng vang lớn trong phong trào cách mạng miền Nam lúc bấy giờ - Nên di tích thuộc loại hình lưu niệm về sự kiện.
          4. CÁC HIỆN VẬT TRONG DI TÍCH
          Đây là loại hình di tích lịch sử cách mạng. Di tích là một gộp đá nằm trên một con suối, nơi đánh dấu sự kiện trận đánh đầu tiên của du kích và nhân dân tự vũ trang và cũng là trận đánh đầu tiên của nhân dân Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến lợi phẩm ta thu được là một khẩu súng và 1 bản đồ, nhưng qua 25 năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, tất cả súng và bản đồ thu được toàn bộ những vũ khí của đồng bào sử dụng lúc bấy giờ như ná, cung, tên, chông, thò, bẩy đá đều bị thất lạc. Hiện nay di tích không còn một hiện vật nào.
          5. CÁC HÌNH THỨC SINH HOẠT VĂN HÓA DÂN GIAN, LỄ HỘI
          Đối với huyện Vĩnh Thạnh nói riêng và Bình Định nói chung, đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên hàng năm được tổ chức lễ hội kỷ niệm vào tháng 2, vào những năm chẵn đứng ra tổ chức, còn những năm lẻ thì huyện tổ chức. Lễ hội được tổ chức theo truyền thống sinh hoạt văn hóa dân gian của người Bahnar gồm có: Dựng nêu, đâm trâu, uống rượu cần, đốt lửa, biểu diễn đánh cồng chiêng, múa… và ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quân và dân huyện Vĩnh Thạnh.
          6. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, KHOA HỌC, NGHỆ THUẬT VĂN HÓA
          Khởi nghĩa Tơ Lok và Tơ Lek là một di tích lịch sử cách mạng, là một điểm di tích tự nhiên ngoài trời, nên về góc độ khoa học, nghệ thuật và văn hóa không có gì, mà nó chỉ có giá trị lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
          Thắng lợi của phong trào chống dồn dân ở Bình Đinh năm 1959, mà lá cờ đầu là Vĩnh Thạnh đã được qua thử thách từ khởi nghĩa chống dồn dân, quần chúng cách mạng đã chuyển sang phát động chiến tranh du kích đánh địch tiến công càn quét. Từ đấu tranh gìn giữ lực lượng, tiến lên kết hợp khởi nghĩa từng phần và du kích cục bộ, mở ra một phong trào mới cho cách mạng địa phương, góp phần đánh bại biện pháp chiến lược chủ yếu của địch là “tố cộng” và “diệt cộng”. Hơn nữa thắng lợi của khởi nghĩa Vĩnh Thạnh còn có ý nghĩa trực tiếp bảo vệ tuyến hành lang chiến lược của quân khu V đó là 3 huyện miền núi và giáp ranh trung tâm là Vĩnh Thạnh. Mặt khác, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng các huyện đồng bằng trong tỉnh, địch đã thừa nhận “cộng sản lên mặt các huyện, truyền đơn Việt cộng rải nhiều nơi, nhất là trong tháng 7 và tháng 11 năm 1959. Các liên gia trưởng, xóm trưởng và dân vệ một số nơi bị các toán Việt cộng đe dọa”.
          Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh năm 1959 là thắng lợi to lớn và căn bản, không những góp phần cùng nhân dân toàn tỉnh, toàn miền nam, đánh bại hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới ở miền nam: chiến lược “chiến tranh một phía” mà còn tạo ra các tiền đề vững chắc cho giai đoạn sau, giai đoạn chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, và còn được đánh giá: Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên của của khu V và toàn miền Nam. Nó không chỉ chứng minh sự năng động sáng tạo của Đảng bộ địa phương, tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của đồng bào các dân tộc miền núi Bình Định, mà còn đưa phong trào địa phương tiến kịp với cao trào đấu tranh sôi sục của nhân dân toàn miền./.
(Nguồn: Bảo tàng Tổng hợp Tỉnh Bình Định, Hồ sơ Di tích Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, 1998).

Nguồn tin: Từ Kim Lân, Trường PTDTNT THCS&THPT Vĩnh Thạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

1/ Cho học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19
2/ Thông báo về việc thăm dò dư luận đối với các ứng viên đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú tỉnh Bình Định Lần thứ 15 năm 2020
 

718-QĐ_BGDĐT_09.02.2021

Quyết định 718_QĐ_BGDĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông

Thời gian đăng: 25/02/2021

lượt xem: 414 | lượt tải:0

77/2015/QH13

LUẬT Tổ chức chính quyền địa phương

Thời gian đăng: 23/08/2019

lượt xem: 476 | lượt tải:0

Hiến pháp

HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Thời gian đăng: 23/08/2019

lượt xem: 393 | lượt tải:0
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm2
  • Hôm nay79
  • Tháng hiện tại29,728
  • Tổng lượt truy cập870,355
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây