Ở HUYỆN VĨNH THẠNH, TỈNH BÌNH ĐỊNH
-----
1. TÊN GỌI: VƯỜN CAM NGUYỄN HUỆ
Căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn trong thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa.
2. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ THUỘC TÍNH DI TÍCH
Di tích được xây dựng trong khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, nằm trong mạch núi rừng thuộc vùng Tây Sơn Thượng Đạo, di tích gắn liền với phong trào nông dân Tây Sơn trong thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa và cũng là nơi che chở cho một số tướng lĩnh Tây Sơn sau khi triều Tây Sơn mất. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước nơi đây cũng là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Bình Định.
Xã Vĩnh Sơn nguyên trước năm 1945 thuộc vùng đất của tỉnh Gia Lai, có tên là Krem, trong thời chống mỹ gọi là Lơ Pin, sau năm 1975 gọi là xã Vĩnh Sơn. Là một xã xa trung tâm huyện lỵ nhất, ở đó, khu vực làng Kon Plo (làng K8) và Kontrũch (làng K2) là hai làng đông dân và phồn thịnh nhất. Nằm ở thượng nguồn sông Kôn nên địa thế ở đay rất hiểm trở, núi rừng trùng điệp, giao thông đi lại rất khó khăn, chủ yếu là các lối mòn đi trong rừng, thành phần dân cư chủ yếu là người dân tộc Ba Na, họ sinh sống bằng nghề làm nương, đốt rẫy, săn bắn và chăn nuôi gia súc có nơi còn nuôi cả voi. Khu vực làng K8 hiện còn một số voi rừng, ngoài ra họ còn trao đổi hàng hóa với người Kinh tại bãi cát thuộc làng Nước Trinh (xã Vĩnh Kim), bãi cát xưa kia rộng khoảng 1ha là nơi giao lưu của 3 dòng sông: sông Kôn, suối Nước Trinh và suối Dơi, ở dây sự trao đổi diễn ra rất phồn thịnh và tấp nập. Người Kinh ngược sông Kôn bằng đò và người dân tộc theo đường mòn chạy dọc sông Kôn đến. Ngoài quan hệ trực tiếp với người Kinh theo sông Ba, sông Kôn từ Kanát, An Khê, Phú Yên theo đường bộ đến. Người dân ở đây cũng thường vượt dốc Đót sang vùng Kim Sơn, Hoài Ân. Theo các ông Bok Lênh, Bok Túi cho biết: Người Ba Na thường mang trầu, rễ cây dùng để ăn trầu và cam xuống Kim Sơn đổi lấy hàng hóa thiết yếu, cứ 1 xếp 10 lá trầu thì đổi được 01 lon gạo đủ cho người ăn khỏe một bữa, 10 miếng rễ cây ăn trầu hay 10 trái cam cũng đổi được một lon gạo. Ở Kim Sơn, có người chờ sẵn, họ mang vải, rựa, muối… buổi tối họ gùi hàng xuống đổi và sáng sớm hôm sau lại mang vác các thứ đổi được ngược về làng. Địa danh làng Kon trút cũng nhiều lần thay đổi theo thời gian du canh du cư của người dân ở đây: Ban đầu là làng Kon Thình rồi đến làng Kon Ron, Kontrũch, địa danh làng K2 là ký hiệu của làng Kontrũch trong thời kì chống Mỹ.
Kontrũch, Vĩnh Sơn nằm trong mạch núi rừng Tây Sơn Thượng Đạo cao vài trăm mét so với mực nước biển. Mảnh đất trù phú, địa thế hiểm yếu là chỗ đứng vững chắc cho buổi đầu tập hợp lực lượng khởi nghĩa của phong trào Tây Sơn. Sử triều Nguyễn chép: “Nhạc thiết lập đòn trại ở ấp Tây Sơn”, “Nguyễn Nhạc vào đám dân mọi ở vùng Tây Sơn Thượng Đạo”.
Như vậy, trước khi dựng cờ khởi nghĩa Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã trải qua một quá trình chuẩn bị công phu, đầy gian khổ, thử thách, công cuộc chuẩn bị đó được minh chứng qua những ký ức, truyền thuyết của người dân địa phương và những phế tích còn lại. Nguyễn Nhạc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, có một thời gian làm nghề mua bán trầu, từ Kiên Mỹ (Kiên Thành) ngược sông Kôn lên vùng Tây Sơn Thượng Đạo như Vĩnh Sơn, Kbang, An Khê … Và cũng theo sông Ba vào Phú Yên. Chính trong thời gian này đã hình thành trong suy nghĩ của ông là chọn khu vực này để xây dựng một số căn cứ hậu cần cho cuộc khởi nghĩa: Hòn đá Ông Nhạc (Tmo Bok Nhạc) - nơi Nguyễn Nhạc thường ngồi nghỉ chân ở làng Dê H’Lang(An Khê). Ở thôn An Lũy xã Phú An Cư còn di tích đồn lũy, đó là Chỉ huy sở của nghĩa quân Tây Sơn mà sử sách thường gọi là “Chỗ khởi binh của Tây Sơn” hay “Trại Tây Sơn”, “Bảo An Khê”. Trên khu vực huyện An Khê ngày nay còn có cả một hệ thống dồn trại của quân Tây Sơn như: núi Ông Bình, núi Ông Nhạc, Gò Kho…Xã Tú An, huyện Kbang, Gia Lai có cánh đồng rộng hàng chục héc ta gọi là Cánh đồng Cô Hầu. Cô Hầu tên thật là Ya Đố, là vợ bé của Nguyễn Nhạc có công khai phá cánh đồng này để làm cơ sở sản xuất lương thực nuôi quân. Trong thời gian ở với Nguyễn Nhạc bà Ya Đố nhiều lần xuống miền xuôi lấy giống cây cam, chanh về trồng ở các plây (làng) của người Ba Na. Tương truyền vườn cam và mít ở Kon Hà Nừng (Kbang) có nguồn gốc từ thời bấy giờ, rừng mít trong dãy núi Kon Ch’Vi thuộc xã Đông (Kbang) cũng do bà Ya Đố trồng, đến nay ở đây vẫn còn nhiều cây mít cổ thụ, đến mùa mít chín, người Ba na thường lấy ăn. Nhờ sự giúp đỡ của bà Ya Đố, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã đến các làng Sit (xã Nam, Kbang), làng Đtung (xã Đông, Kbang), làng Đê- Chơ – găng (An Khê)… Để xây dựng, mở rộng căn cứ. Vườn cam Nguyễn Huệ là một trong những căn cứ mang tính chất chiến lược ấy. Trồng cam vừa để lấy quả bồi dưỡng sức dân, sức quân vừa là việc làm thể hiện tinh thần đoàn kết “đồng cam cộng khổ” cùng đồng bào thượng trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa. Già làng Bok Cang (85 tuổi) cho biết hiện nay trên đỉnh núi Vườn Cam còn một số gốc cam và mít rất lớn, tương truyền có từ thời Tây Sơn.
Di tích Vườn Cam Nguyễn Huệ nằm gọn trong cao điểm 1019, đây là một trong những căn cứ quan trong trong hệ thống căn cứ địa vùng Tây Sơn Thượng Đạo của nghĩa quân Tây Sơn giai đoạn tiền khởi nghĩa. Từ đây có thể nhìn bao quát khu vực Hạ Đạo, và liên lạc với các cứ điểm khác khá dễ dàng. Xung quanh núi Vườn Cam có rất nhiều hang đá lớn nhỏ hình thành những khu trú quân tự nhiên vô cùng kín đáo. Núi Vườn Cam còn là nơi bắt nguồn của hơn 30 con suối nằm trong hệ thống lưu vực sông Kôn cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho cả vùng, dưới chân núi là những cánh đồng lúa nước rộng lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất lương thực tự cung cấp tại chỗ để nuôi quân.
Năm 1978, tại một vị trí cách Vườn Cam khoảng 01 km về hướng đông bắc, nhân dân phát hiện được một khẩu súng thần công bằng sắt, nặng khoảng 20 kg, dài 0,79m, đuôi súng có đường kính 0,105m, miệng súng có đường kính là 0,08m, đường kính nòng là 0,04m, súng có cấu tạo cơ bản giống với các loại súng thần công thường được sử dụng thế kỷ XVIII - XIX. Theo ông Bá Non (Chủ tịch xã Vĩnh Sơn) thì trước đây tại khu vực núi Vườn Cam còn phát hiện cả một thùng lớn những đồng tiền cổ, nhưng hiện nay đã thất lạc do chiến tranh. Ngoài ra dân làng còn truyền nhau câu chuyện về chiếc chóe cực lớn có thể nhốt được cả một con trâu mộng hiện đang nằm dưới vùng sình lầy của khu vực làng K8, dân làng gọi đây là Chóe Nuôi Quân, rồi thành Tà Kơn với những tảng đá hình lục giác xếp chồng lên nhau rất đều đặn bao quanh núi Tà Kơn tạo thành một bờ thành dựng đứng cao hàng mấy chục mét … có người bảo thành này do nghĩa quân Tây Sơn xây dựng, có người lại bảo có từ thời Gia Long sau này(?)
Qua những hiện vật, ký ức và truyền thuyết thu được cho phép chúng ta khẳng định điểm cao 1019 hiện nay xưa là một cứ điểm quân sự của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy xây dựng - đây là một trong những cứ điểm quan trọng của vùng căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Không những thế mà trong thời gian kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, khu vực này cũng đã được chọn để xây dựng căn cứ của Tỉnh Ủy Bình Định.
3. LOẠI DI TÍCH
Đây là di tích lịch sử ngoài trời - Căn cứ địa của phong trào nông dân Tây Sơn giai đoạn tiền khởi nghĩa.
4. CÁC HIỆN VẬT TRONG DI TÍCH
Hiện nay trong khu vực di tích còn một số ít cây cam cũ mọc xen kẽ với các loại cây rừng.
5. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, KHOA HỌC, NGHỆ THUẬT, VĂN HÓA
Vườn Cam Nguyễn Huệ là một di tích gốc - Nơi đóng quân, luyện quân, sản xuất và tích trữ lương thảo của quân Tây Sơn giai đoạn tiền khởi nghĩa, nó góp phần cho chúng ta tìm hiểu sâu thêm về phong trào Tây Sơn, về cách lựa chọn, bố trí các điểm đóng quân và xây dựng căn cứ địa của các thủ lĩnh Tây Sơn. Vườn Cam Nguyễn Huệ là cứ liệu xác đáng nhất cho chúng ta biết quá trình vận động gây dựng lực lượng của ba anh em Tây Sơn là một quá trình chuẩn bị lâu dài và chu đáo./.
(Nguồn: Bảo tàng Quang Trung, Hồ sơ Di tích lịch sử Vườn cam Nguyễn Huệ, 1994).